Quả dục, Nhu nhược.

Quả dục, Nhu nhược. 238. Không tội nào lớn bằng có dục vọng; không họa nào lớn bằng không biết đủ; không hại nào lớn bằng mong có. Cho nên biết mình có đủ, thì luôn đủ.

239. Hãy thể hiện sự trinh nguyên và ôm giữ sự chất phác; hãy bớt sự tư lợi và giảm ham muốn; hãy dứt tuyệt học vấn và chớ lo âu.

240. Do cầu danh mà người ta chèn ép nhau; mưu trí trở thành vũ khí để tương tranh; danh và mưu trí đều là khí cụ không tốt vì làm hại phẩm hạnh.

241. Ai thị dục sâu đậm thì bản chất tự nhiên của hắn nông nổi.

242. Thị dục càng tràn đầy, yêu ghét càng gia tăng, thì tính mệnh sẽ lâm nguy.

243. Dục vọng nhiều làm hại nghĩa, âu lo nhiều làm hại trí, sợ hãi nhiều làm hại dũng khí.

244. Căn bản của sự xem xét sự vật là ở việc hạn chế dục vọng.

245. Gương sáng, bụi bặm không làm dơ bẩn được; thần thanh trong, thị dục không làm cho rối loạn được.

246. Mắt thấy điều quấy ắt dâm, tai nghe điều quấy ắt nghi hoặc, miệng nói điều quấy ắt loạn.

247. Mặt trời và mặt trăng muốn sáng nhưng bị mây che khuất; sông ngòi muốn trong vắt nhưng bị cát đá làm ô uế; nhân tính muốn an bình nhưng bị thị dục làm hại.

248. Giảm bớt tư lự thì sẽ không bị lỗi lầm và nghi hoặc mà chấp trước ngoại vật; giảm bớt dục vọng thì sẽ không phóng túng và trộm cắp để bị vong mạng; hai thứ đó (tức tư lự và dục vọng) nếu không trừ khử, thì cái gốc của sự rối loạn chân tính làm sao hết?

249. Mưu cầu cho mình vì tư lợi; nhưng dưỡng tâm thì không gì tốt bằng bớt dục vọng. Giảm suy tư và bớt dục vọng tức là xác định sự phân cách giữa nội tâm với ngoại giới, là phân biệt được chỗ quay về của thật với giả; đức sẽ toàn vẹn và phục hồi. Che đậy bản ngã tức là đánh mất sự đại đồng, tức là mưu cầu cho mình vì tư lợi. Bị cái lợi và dục vọng lôi kéo thì làm rối loạn sự thanh tĩnh, nên dưỡng tâm không gì tốt bằng bớt dục vọng. Hễ tư lợi thì ham muốn, đều là hướng ra ngoại giới chứ không phải là nhìn vào bên trong; đều là cái giả dối và bẩn đục của con người chứ không phải là sự chân thật của thiên tính. Chỉ có thiểu tư quả dục mới xác định sự phân cách giữa nội tâm với ngoại giới, và biết nặng với nhẹ; chỉ có phân biệt được chỗ quay về của thật với giả, và hiểu rõ gốc với ngọn. Không dời chuyển đức của mình thì đức toàn vẹn; không sử dụng quá mức thiên tính của mình thì thiên tính phục hồi.

250. Mọi người chỉ thấy vật chất chứ không thấy đạo, nên cái thấy đó có dục vọng; thánh nhân chỉ thấy đạo chứ không thấy vật chất, nên cái thấy đó vô dục. Cái thấy mà vô dục thì tri kiến vượt trội cái được thấy, do đó linh đài (tâm linh) được gìn giữ và các sự nhiễu loạn bị tiêu trừ. Cái thấy mà có dục vọng thì cái được thấy vượt trội tri kiến, nên người ta chỉ truy đuổi ngoại vật mà quên mất đường trở về, đánh mất cái chân thực mà ham mê cái giả dối. Mắt người vụ sắc đẹp, tai người vụ âm thanh, miệng người vụ vị ngon, mũi người vụ mùi thơm, đó là ham muốn. Người tầm thường và mê lầm thì không biết rằng 5 sắc loạn mắt, 5 thanh loạn tai, 5 vị làm dơ miệng, 5 mùi làm ngạt mũi; nên họ bất chấp tính mệnh mà trành giành các thứ đó, lừa dối nhau, không chỗ nào không tới. Kẻ lụy vì lợi dày sẽ đem thân chết vì lợi; kẻ lụy vì danh cao sẽ đem thân chết vì danh; giống như Bá Di và Đạo Chích – người chết vì danh, kẻ chết vì lợi – tức đều là vì danh và lợi mà nảy sinh dục vọng. Danh lợi như cái nóng sinh ra lửa, được chúng thì vui; danh lợi như cái lạnh làm đóng băng, mất chúng thì lo buồn; họ không thể làm chủ được tâm, đến nỗi rối tâm loạn trí, kiêu căng phóng túng, không kiềm chế được; giống như lấy viên ngọc châu cực quý làm đạn bắn con chim sẻ bay cao mấy ngàn thước. Đó chẳng phải là sai lầm sao! Thánh nhân thì khác. Ngài không vụ lợi, không tránh hại, biết lợi và hại cùng nguồn gốc; không lấy sự thông đạt làm vinh, không lấy sự khốn cùng làm nhục, xem khốn cùng và thông đạt như nhau. Ngài không khởi tâm vì dục vọng và tư lự, một tí xíu cũng không bị rối loạn; nội tâm luôn thanh tĩnh sáng láng, không dao động vì ngoại vật; cảm ứng mà thông đạt. Tâm ngài an định và đáp ứng được, tĩnh mà không có chỗ trở ngại, không kết dính vào tĩnh; động mà không có chỗ truy đuổi, không trôi theo động. Vạn vật trước mắt thánh nhân dù biến hoá muôn phương cũng không thể xâm nhập vào nội tâm (linh đài) của ngài, như vậy chẳng có gì nhiễu loạn ngài được.

251. Cái từ trong tâm manh động phát ra thì gọi là tạo nghiệp, cái chi phối sự tạo nghiệp gọi là thiện ác. Cho nên phóng túng dục vọng là ác, đình chỉ tham lam là thiện. Điều thiện là ích lợi cứu giúp người đời và siêu thoát thế tục. Điều ác là tạo tác bại hoại đức hạnh và tiêm nhiễm cái xấu. Cho nên thánh nhân hiểu rõ một thứ tuy vô hình nhưng công dụng rất lớn, đó là tâm; và cũng hiểu rõ một thứ hữu hình nhưng không tự vận động được, đó là thân. Tất nhiên nếu tâm không gởi vào thân thì không thể hiện mọi công dụng; và thân nếu không nương nhờ tâm thì sẽ diệt vong, không khởi động được. Cho nên tâm và thân tuy thể khác nhau nhưng lý thì phù hợp, có thể tận dụng mọi điều tốt để hướng đến một mục tiêu. Do đó ngoài và trong hỗ tương tác dụng, động và tĩnh cùng phối hợp nhau. Thân không thể độc lập tồn tại, mà nó do tâm sai khiến. Tâm không an tĩnh là do dục vọng gây ra. Sức chịu đựng của thân thì vô hạn mà hành vi tạo tác thì không ngưng. Cho nên tâm là căn bản của phàm và thánh. Thân là chỗ hội tụ của khổ và sướng. Thánh nhân hiểu hoạ hoạn do tâm mà phát sinh, lỗi lầm là do bản thân tạo tác. Do đó thanh trừng tâm thì trừ được họa hoạn; làm thuần khiết ý chí thì hết lỗi lầm. Bọn người tầm thường thì không thế; họ phóng túng tình dục, không biết dục vọng phát sinh do tâm; họ kiêu căng ngạo mạn, không biết sự ngạo mạn là do bản thân tạo tác.

252. Muốn nó co lại, tất phải giương nó thẳng. Muốn nó yếu, tất phải làm nó mạnh lên. Muốn phế bỏ nó đi, tất phải làm cho hưng vượng. Muốn đoạt nó cái gì, tất phải cho nó cái khác. Thế gọi là «làm cho cái sáng trở nên tế vi».

253. Trở lại là cái động của đạo. Yếu đuối là cái dụng của đạo.

254. Khi sống [thể chất] người ta mềm yếu; lúc chết thì [thi thể] cứng đơ. Vạn vật và thảo mộc khi sống thì mềm yếu; lúc chết thì khô héo. Cho nên cứng mạnh cùng một bọn với chết; mềm yếu cùng một bọn với sống. Thế nên, quân đội mạnh thì không thể thủ thắng; cây khoẻ thì phải bị búa rìu đốn; cái cứng mạnh chiếm địa vị thấp hơn; cái nhu nhược chiếm địa vị cao hơn.

255. Trên đời chẳng có gì mềm yếu bằng nước. Để công phá cái cứng mạnh thì chẳng gì hơn nước. Đó là vì không có cái gì thay thế nó được. Ai cũng biết yếu thắng mạnh, mềm thắng cứng; nhưng chẳng ai biết thi hành điều đó.

256. Luyện khí một cách chuyên nhất thân hình sẽ mềm mại. Ngươi có thể [tập luyện để thân xác và tinh thần] giống như trẻ thơ không?

257. Thiên hạ có cách thức luôn chiến thắng và cách thức luôn chiến bại. Hai cách thức này rất dễ biết thế mà người ta không hề biết. Cho nên lời xưa có nói: mạnh là kẻ chiến thắng người không bằng mình; yếu là kẻ tự thắng mình. Kẻ chiến thắng người không bằng mình, đến khi gặp đối thủ hơn mình, ắt sẽ bị nguy hiểm. Kẻ tự thắng mình, không bị nguy hiểm gì; lấy lý lẽ đó để tự thắng bản thân và ứng phó với thiên hạ. Thế gọi là không cố ý thắng mà tự nhiên thắng; không cố ý ứng phó mà tự nhiên ứng phó được.

258. Thiên hạ có cách thức luôn chiến thắng và cách thức luôn chiến bại. Cách thức luôn chiến thắng nằm ở sự mềm mại; cách thức luôn chiến bại nằm ở sự mạnh mẽ. Chính vì cách thức luôn chiến thắng nằm ở sự mềm mại, cho nên các bậc chân nhân minh triết thuở xưa luôn tỏ ra dáng vẻ mềm yếu và khiêm hạ. Tỏ ra dáng vẻ mềm yếu và khiêm hạ là lấy sự thâm sâu làm gốc, tức là sự việc không nên kiên cường vì kiên cường dẫn đến hủy diệt.

259. Về phương diện sự việc, cứng mạnh thắng mềm yếu; về phương diện đạo, mềm yếu thắng cứng mạnh. Mềm được chất chứa lâu ngày sẽ thành cứng; yếu được chất chứa lâu ngày sẽ thành mạnh. Muốn cứng, tất phải giữ lấy mềm; muốn mạnh tất phải bảo hộ yếu. Mềm thắng cứng và yếu thắng mạnh, đó là cái đạo để luôn đắc thắng vậy.

260. Sự không hư của bản tính có thể dung chứa được mọi biến hoá kịch liệt của thiên hạ. Cái vô hình đó có thể đương đầu với cái cực đại của thiên hạ; nó làm cho vạn vật sung túc nhưng không xem là mình có được; lấp đầy bốn biển nhưng không xem là mình đã làm đầy. Bản chất tuy nhỏ nhưng nó không lệ thuộc thiên hạ; vạn vật quy tụ về nó nhưng nó không xem mình là chủ. Đó là sự mềm yếu của đạo. Ai có thể thắng được nào? Kẻ học đạo thà lấy cái không thấp thỏi để tự xử mình, nhưng đối với người thì tỏ ra hoà ái nhu nhược; lấy cái tràn đầy để tự đòi hỏi nơi mình, nhưng đối đãi kẻ khác thì tỏ ra khiêm hạ; có công lao nhưng không tự cho là có; có tài năng nhưng không ỷ mình tài; không tranh với ai nên được thiên hạ tôn kính là bậc trên; không kiêu căng nên được thiên hạ xem trọng là nhân tài. Cái nhu nhược của kẻ học đạo không ai có thể thắng được. Trái lại, ai ỷ lớn hiếp nhỏ, cậy cao khinh thấp, mong cầu cứng mạnh để thắng người, đều là những kẻ không hiểu đạo.

261. Thánh nhân co lại là mong duỗi ra; gấp cong lại là mong thẳng ra. Cho nên tuy ở chỗ ngược ngạo không chính đáng và đi trên đường tối tăm mà lòng vẫn hằng mong chấn hưng đại đạo và hoàn thành đại công.

Gửi bài viết tới Facebook

Gửi hình ảnh