Thế thái, Nhân tình.

Thế thái, Nhân tình. 262. Khi đại đạo bị phế thì mới có nhân và nghĩa; khi trí huệ xuất hiện thì mới có đại giả trá ngụy biện; khi lục thân bất hòa thì mới có hiếu kính và từ ái; khi quốc gia hôn ám rối loạn thì mới có trung thần.

263. Đại đạo giản dị, thế mà con người lại thích bàng môn tả đạo. Triều đình lộng lẫy, ruộng nương hoang vu, kho lẫm trống hoác. Ăn mặc xênh xang, mang kiếm bén, ăn uống chán chê, đó gọi là đạo tặc khoe khoang, không phải là [noi theo] đại đạo.

264. Cây thẳng bị đốn trước, giếng ngọt bị cạn trước.

265. Trong thời chí đức, loài người sống lẫn với cầm thú, đồng đẳng với vạn vật [như một nhà], nào có phân biệt quân tử với tiểu nhân? Vạn vật vô tri như nhau, không rời bỏ đức tính tự nhiên của mình; họ cùng vô dục như nhau, nên gọi là chất phác. Chất phác tức là bản tính của dân chúng còn giữ được. Đến khi thánh nhân xuất hiện, tận tâm gắng sức làm điều nhân và nghĩa, thế là dân chúng bắt đầu rối tâm loạn trí. Thánh nhân cũng phóng túng âm nhạc và câu nệ nghi lễ, thế là dân chúng bắt đầu chia rẽ nhau. Nếu sự thuần phác không bị đẽo gọt thì sao có tửu khí để cúng? Nếu không hủy phá ngọc trắng thì sao có ngọc khuê ngọc chương [làm quai các cốc rượu để cúng]? Nếu đạo đức không bị phế thì sao có nhân nghĩa? Nếu tính và tình không phân ly thì sao dùng được lễ nhạc? Nếu năm màu không loạn thì sao có kiểu trang sức này nọ? Nếu năm thanh không rối thì sao có luật tắc âm nhạc? Tạc đẽo gỗ để làm vật dụng là tội ác của thợ khéo tay. Hủy bỏ đạo đức để thi hành nhân nghĩa đó là lỗi lầm của thánh nhân.

266. Thời vua Hách Tư, dân chúng ở trong chỗ trú ẩn mà không biết mình làm gì; đi ra khỏi chỗ ở mà không biết mình đi đâu; vui thích với thức ăn trong miệng; ăn no thì vỗ bụng đi chơi. Khả năng họ chỉ thế thôi. Đến khi thánh nhân xuất hiện, uốn nắn lễ nhạc để khuôn định hành vi và cử chỉ của con người, đề xướng nhân nghĩa để xoa dịu tâm họ. Từ đó dân chúng mới gắng sức ham trí xảo, tranh giành nhau chỉ vì tư lợi, không ai ngăn họ được nữa. Đây cũng là lỗi lầm của thánh nhân vậy.

267. Khi suối cạn, thung lũng trống; khi gò bị san bằng, ao sâu cạnh nó sẽ bị lấp đầy. Khi thánh nhân chết, bọn trộm lớn sẽ không nổi dậy; thiên hạ yên bình và không còn rối loạn nữa. Khi thánh nhân chưa chết thì bọn trộm lớn còn hoài. Thánh nhân càng trị thiên hạ thì bọn trộm như Đạo Chích càng thêm lợi. Nếu chế tạo cho thiên hạ cái đấu cái hộc để đo lường, thì thậm chí bằng thứ đấu hộc ấy ta đã dạy họ trộm cắp. Nếu chế tạo cho thiên hạ cái cân và quả cân, thì thậm chí bằng thứ cân và quả cân ấy ta đã dạy họ trộm cắp. Nếu chế tạo cho thiên hạ các tín vật như lệnh phù và ấn triện, thì thậm chí bằng thứ lệnh phù và ấn triện ấy ta đã dạy họ trộm cắp. Nếu qui định nhân nghĩa cho thiên hạ để uốn nắn họ, thì thậm chí bằng thứ nhân nghĩa ấy ta đã dạy họ trộm cắp. Làm sao ta biết được nó như thế? Kẻ trộm cắp một cái móc gắn đai lưng thì bị giết; kẻ trộm cắp một nước thì thành chư hầu. Ở môn hộ của chư hầu ta thấy tồn chứa nhân nghĩa, đó chẳng phải là trộm cắp nhân và nghĩa, thánh và trí hay sao? Cho nên họ vội trở thành bọn trộm lớn, làm chư hầu, trộm cắp nhân nghĩa với mọi lợi lộc từ việc sử dụng đấu hộc, cái cân, lệnh phù ấn triện. Thậm chí các tước lộc (xe, mũ) của quan cũng không ảnh hưởng đến họ [để họ đi sang nẻo khác]; và uy lực của các thứ hình cụ như rìu búa cũng không làm họ sợ mà chùn tay. Cái lợi này thật lớn đối với kẻ trộm như Đạo Chích, cho nên không ai cấm chỉ được chúng. Đây là lầm lỗi của thánh nhân.

268. Kẻ dùng trí xảo để thắng đối phương trong cuộc đấu sức, ban đầu thì đấu công khai đàng hoàng, nhưng kết cục thì thường dùng mưu mẹo, khi trận đấu lên đến cao trào thì họ dùng quỷ kế. Kẻ lấy lễ để uống rượu, ban đầu thì uống nghiêm chỉnh, nhưng kết cục thì thường hỗn loạn. Khi tiệc rượu lên đến cao trào thì họ cũng vui sướng cực điểm [và tung hê tất cả]. Sự đời cũng đúng như thế. Khởi đầu là thành tín, kết thúc là dối lừa; khởi đầu là nhỏ nhặt, kết thúc là lớn chuyện.

269. Khen ngợi phát sinh thì phỉ báng nối tiếp theo sau. điều thiện xuất hiện thì oán hận nối tiếp theo sau.

270. Ngựa giỏi bị hỏng vì tay xa phu kém; kẻ sĩ tài trí bị khốn đốn vì thời thế hôn ám.

271. Kiếm mới nhờ chữ khắc giả mạo trên nó mà tăng thêm giá trị; thang thuốc dở nhờ ghi giả mạo tên họ danh y lên nó mà trở thành thuốc quý.

272. Nếu hai bên đều vui vẻ hả hê, tất họ tha hồ tâng bốc nhau; còn như giận nhau, tất họ tha hồ khuếch đại điều xấu của nhau. Hễ quá mức ắt là sai lệch; lời sai lệch ắt không đáng tin; như thế kẻ truyền đạt lại lời nói ấy sẽ bị tai họa.

273. Đề phòng bọn trộm chuyên cạy tráp, moi đãy, mở tủ, tất ta dùng dây cột chặt, dùng khoá móc và then cài. Như thế người đời gọi là khôn. Nhưng khi một tên trộm lớn đến, hắn vác tủ, khuân tráp, đeo đãy chạy mất; hắn chỉ sợ dây nhợ và móc khoá không được chắc thôi. Vậy thì cái ban đầu được xem là khôn bây giờ chẳng phải là giúp cho kẻ trộm khuân đi trọn hay sao?

274. Lòng người ghét bỏ địa vị thấp mà mong tiến lên địa vị cao. Vì địa vị cao thấp mà người ta tận dụng tâm cơ, vất vả khác nào bị giam cầm bức bách. Mềm yếu phục tòng cứng mạnh; góc cạnh nhọn bén bị đẽo gọt mất. Lòng người hễ nồng nhiệt thì như lửa cháy hừng hực, hễ nguội lạnh thì như giá băng. Sự nhanh lẹ của tâm là trong thời gian cúi và ngẩng đầu, nó phóng vượt ra ngoài bốn bể rồi quay về. Khi ở yên, tâm tĩnh như vực sâu [khó dò]; khi động, tâm [lung linh huyền diệu khôn lường] như treo trên trời. Sự hưng phấn và kiêu ngạo của tâm thì không thể nào kiềm chế được. Nhân tâm chỉ vậy thôi!

275. Người thế tục đều thích kẻ đồng ý với mình mà ghét kẻ khác ý với mình. Việc thích và ghét này là do lòng họ muốn vượt trội hơn kẻ khác. Nhưng kẻ có tâm địa như vậy đã từng vượt trội được người khác hay sao?

276. Kẻ trí sĩ nếu không thấy các thay đổi của sự tư lự của mình thì không vui; kẻ biện sĩ nếu lời đàm thuyết của mình không sắp xếp có lớp lang thì không vui; kẻ giám sát nếu không bới ra vụ việc gì để thị uy khiển trách thì không vui: Bọn họ đều bị ngoại vật vây khổn. Kẻ muốn đời chú ý thì tự làm nổi bật ở triều đình; kẻ muốn dân trọng thì xem quan tước là vinh hiển; kẻ đại lực sĩ khoe khoang mình làm được việc khó; kẻ dũng cảm phấn đấu trong hoạn nạn; kẻ mang binh giáp thích chiến đấu; kẻ sức tàn gối mỏi bấu víu vào cái danh tiếng đã từng có; kẻ giỏi luật pháp mong quảng bá pháp trị; kẻ chuyên lễ nhạc chú trọng đức hạnh; kẻ nhân nếu không có việc đồng áng [trừ cỏ dại] thì không xứng hợp với công việc; thương nhân nếu không có việc chợ búa thì không xứng hợp với công việc; thường dân nếu có công việc hôm sớm thì mới động viên nhau siêng năng; thợ thuyền nếu sử dụng thành thạo đồ nghề thì cảm thấy mạnh mẽ. Tiền tài không gia tăng, kẻ tham ắt buồn; quyền thế không tăng, kẻ bon chen sẽ rầu. Gặp thời thì có chỗ dùng, không thể vô vi được. Họ đều thuận theo cách riêng của mình như các mùa trong năm, và không thay đổi như sự vật. Họ rong ruổi xác thân và bản tính, chìm đắm dưới sức ép của sự vật, suốt đời không thể phục hồi chân ngã. Như thế chẳng đáng buồn sao?

277. Sự vật bên ngoài ta thì ta không thể cố mong cầu cho bằng được. Thế nên Quan Long Phùng bị giết, Tỷ Can bị hại, Cơ Tử hoá cuồng, Ác Lai chết, Kiệt và Trụ bị diệt. Không kẻ lãnh đạo nào mà không muốn có bầy tôi trung thành, nhưng lòngï trung thành đó chắc gì được tin? Cho nên thi thể Ngũ Tử Tư bị thả trôi theo giòng Dương Tử và Trường Hoằng phải chết ở đất Thục. Máu của Trường Hoằng sau ba năm tàng trữ đã hoá thành ngọc bích. Không cha mẹ nào mà không muốn có hiếu tử, nhưng có hiếu tâm chắc gì được cha mẹ yêu thương? Thế nên Hiếu Kỷ phải đau khổ mà chết, còn Tăng Sâm phải sầu tủi [vì bị cha ghét bỏ].

278. Làm cha [phải nhờ người ngoài, và] đừng đích thân mai mối cho con. Hễ cha khen con ắt sẽ không công bằng như người ngoài khen con mình. Đó không phải lỗi của người cha, mà là lỗi của người đời. Hễ giống như mình thì mình tán đồng; hễ khác với mình thì mình phản đối. Hễ giống mình tất phải đúng; hễ khác mình tất phải sai.

279. Thói đời, hễ ai kiến thức ít ỏi thì sẽ thấy lắm thứ đáng ngạc nhiên.

280.
Hiểu đạo trời, thấu triệt mọi hoàn cảnh xã hội, thông đạt tình người, lòng quảng đại đủ để bao dung mọi người, đức hạnh đủ để vỗ về quy phục kẻ viễn phương, sự thành tín đủ để thống nhất những kẻ có lòng khác, trí tuệ đủ để biết quyền biến. Ai như vậy chính là bậc anh tài trong thiên hạ.

Gửi bài viết tới Facebook

Gửi hình ảnh