Chính trị, Chiến tranh.

Chính trị, Chiến tranh. 281. Thiên hạ có Đạo thì tuấn mã bị đưa vào canh tác. Thiên hạ không Đạo thì ngựa chiến sinh sống ở biên cương.

282. Dân đói. Bởi vì người trên thu thuế nhiều, nên dân mới đói.

283. Lấy ngay thẳng để trị nước; lấy mưu trí để dùng binh; lấy vô sự để được thiên hạ.

284. Một quốc gia rộng lớn giống như vùng hạ lưu của một con sông; mang tính chất âm nhu (nữ tính) của thiên hạ; và là nơi thiên hạ giao hội. Nhờ bản chất tĩnh mà nữ thường thắng nam.

285. Lấy khoan từ để tranh đấu ắt sẽ thắng, để cố thủ ắt sẽ vững.

286. Dụng binh có câu: «Làm khách chớ không làm chủ. Lui một thước chớ không dám tiến một tấc.» Cho nên thánh nhân đi mà chẳng đi, xắn tay áo mà không dùng tay, bắt địch mà không đối địch, cầm binh khí mà không có binh khí. Không tai họa nào cho bằng khinh địch, khinh địch là gần mất mạng. Cho nên khi hai phe giao chiến, ai thương xót binh sĩ thì sẽ thắng.

287. Trời đất không có lòng nhân, coi bách tính như chó rơm. Thánh nhân không có lòng nhân, coi bách tính như chó rơm.

288. Khi dân không sợ chết, sao lấy cái chết làm cho họ sợ được? Nếu ta khiến dân thường sợ chết, hễ ai phạm pháp thì ta có quyền bắt kẻ ấy giết đi. Như vậy, không ai dám phạm pháp nữa. [Trên trời] thường có vị Tư sát, được quyền giết người [phạm lỗi]. Nay ta lại thay ngài mà giết, thì có khác nào [thợ rởm] muốn đẽo gỗ thay thợ giỏi đâu? Muốn thay thợ giỏi mà đẽo gỗ, ắt khó tránh thương tật.

289. Kẻ trị thiên hạ nào khác gì kẻ chăn ngựa! Chỉ cần trừ khử cái làm hại ngựa mà thôi.

290. Ngài tham chính thì chớ lỗ mãng, cai trị dân thì chớ khinh suất.

291. Tôi nguyện khử bỏ mối vướng bận của ngài, trừ đi cái ưu tư của ngài, để ngài một mình tiêu dao với Đạo trong cõi mênh mông tịch mịch.

292. Thời xưa, người nuôi dưỡng thiên hạ vô dục mà thiên hạ đầy đủ; vô vi mà thiên hạ biến hoá; yên lặng như vực sâu mà bách tính ổn định.

293. Con hiếu không a dua cha mẹ, tôi trung không siểm nịnh vua, đó là điều tốt nhất của phận làm tôi và làm con.

294. Trời đất tuy lớn nhưng trời đất chuyển hoá vạn vật một cách quân bình; vạn vật tuy nhiều nhưng chúng đều bị thống trị một cách thống nhất; dân chúng tuy đông nhưng chủ của họ là vua. Ông vua này đặt nền tảng nơi Đức và được hoàn thiện nơi Trời.

295. Dân có bản tính bất biến. Họ tự dệt vải để mặc, tự cày cấy để ăn. Đức của họ giống nhau. Họ thống nhất, mà không kéo bè kết đảng. Đó gọi là tuân theo tự nhiên.

296. Minh vương cai trị thiên hạ, công trạng bao trùm thiên hạ mà tựa như không nhận là công lao của mình; giáo hoá vạn vật nhưng dân chúng không cảm nhận sự nương tựa đó; tuy công trạng nhiều nhưng minh vương không kể công, khiến vạn vật ai cũng có niềm vui.

297. Ngươi hãy để tâm an vui tự tại trong cõi hư vô tịch mịch; hãy giữ cho khí bình hoà yên tĩnh; hãy thuận theo sự tư nhiên của vạn vật và chớ có thành kiến riêng. Như vậy thiên hạ sẽ thịnh trị.

298. Kỳ vọng chi ở đời sau, cứu vãn chi ở đời trước? Thiên hạ có đạo, thánh nhân thành tựu sự nghiệp; thiên hạ vô đạo, thánh nhân chỉ mong giữ được thân. Đời nay chỉ mong tránh được hình phạt. Phúc nhẹ như lông hồng mà không ai biết mang; hoạ nặng như đất mà không ai biết tránh. Thôi đi! Thôi đừng đem đạo đức đến với người đời! Nguy rồi! Nguy vì tự vẽ một vòng tròn trên mặt đất và chạy lẩn quẩn trong đó. Gai góc, gai góc! Ta đi, đừng làm ta đau. Đường ta đi khúc khuỷu, đừng làm chân ta đau!

299. Thời chí đức người hiền không được quý trọng, tài năng họ không được dùng. Kẻ cai trị được xem như nhánh cây trên cao. Dân chúng như bầy nai hoang dã. Họ đoan chính mà không hề biết đó là nghĩa; họ thương yêu lẫn nhau mà không hề biết đó là nhân; họ thành thực mà không hề biết đó là trung; họ đảm đương việc mà không hề biết đó là tín; họ hành động chất phác và sử dụng lẫn nhau mà không hề biết đó là ban tặng.

300. Người thiện xạ không quý sự bắn trúng mà quý lý do tại sao lại bắn trúng; người trị nước và tu thân cũng không quý sự tồn vong mà quý cái lý lẽ tại sao lại tồn vong.

301. Người giỏi giữ gìn thắng lợi thì biết xem cái mạnh là cái yếu.

302. Cái khó trong việc cai trị nước là ở chỗ nhận ra ai là người hiền trong dân chúng, chứ không phải ở chỗ người cai trị tự xem mình là người hiền.

303. Hạ thần chưa từng nghe nói bản thân [vua] có tu dưỡng mà quốc gia lại loạn lạc, và cũng chưa từng nghe nói bản thân [vua] thác loạn mà quốc gia lại thịnh trị bao giờ.

304. Nếu có lợi cho dân, thì không cần noi theo phép xưa; nếu sự việc phù hợp, thì không cần tuân theo lệ cũ.

305. Vua mong muốn
gỗ thì thần dân tàn phá cây; vua mong muốn cá thì thần dân tát cạn sơn cốc.

306. Đừng lập úp tổ chim và đừng giết các thứ cầm thú sơ sinh.

307. Nước đục, cá ắt ngoi lên mặt nước để thở; lệnh vua hà khắc, dân ắt nổi loạn; thành quách cao chót vót ắt đổ lở; bờ sông cao ắt sụp lở.

308. Khí loạn thì trí tuệ hôn ám, trí tuệ hôn ám thì không thể xử lý việc chính trị được.

309. Bệnh tình nguy khốn mới quý trọng thầy thuốc giỏi; đời loạn mới quý trọng bầy tôi trung trinh.

310. Rái cá nhiều, loài cá ắt hỗn loạn; chim ưng nhiều, loài chim ắt hỗn loạn.

311. Minh vương dùng binh là để trừ tai hoạ cho thiên hạ, và chung hưởng lợi ích với muôn dân. Do đó, khi vua sử dụng dân, dân giống như con phục vụ cho cha, em phục vụ cho anh. Uy lực quân đội gia tăng đến mức này có thể làm cho đổ lở núi, sụp bờ đê; địch quân có ai dám ra tay!

312. Gây chiến tranh ắt phải có sự hung tàn nguy hiểm, [nhưng khi đang tiến hành chiến tranh] kẻ nào không đánh ắt sẽ không thành tựu sự nghiệp.

Lê Anh Minh dịch.

Gửi bài viết tới Facebook

Gửi hình ảnh